Kinh nghiệm tham gia chương trình thực tập METI Nhật Bản – Japan Internship Program
Đầu tháng 2 năm 2021, kỳ thực tập của mình với chương trình Japan Internship Program đã khép lại. Mình đã có một trải nghiệm tuyệt vời với chương trình, học được rất nhiều điều thú vị, và quan trọng nhất là có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ về công việc cũng như cuộc sống. Có thể nói chương trình này là điểm sáng nhất trong toàn bộ năm Covid 2020, nên mình muốn chia sẻ với mọi người về chương trình thực tập thú vị này để các bạn sinh viên mới ra trường, hoặc bất cứ ai quan tâm, có thể tham khảo.
I. Một chút giới thiệu
1. Về chương trình
Các thông tin về chương trình đều sẵn có tại trang chủ <https://internshipprogram.go.jp/english/about/>. Trên trang này, bạn có thể tìm hiểu các thông tin liên quan tới mục tiêu của chương trình, cách ứng tuyển, cũng như số liệu và kết quả thực tập của các năm trước. Về cơ bản thì chương trình thực tập sinh này được tổ chức nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh doanh ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản (quy mô vừa và nhỏ) thông qua tiếp nhận thực tập sinh và các tài năng nước ngoài. Đây là chương trình thực tập được tổ chức thường niên, thực tập sinh vốn được sang Nhật Bản để thực tập ở các công ty chủ quản (host company), nhưng năm nay do dịch Covid nên chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến (online). Mọi khâu từ phỏng vấn đến đào tạo đều được thực hiện trên nền tảng online. Các thực tập sinh đến văn phòng vệ tinh của chương trình ở 3 khu vực (Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và làm việc từ xa với công ty chủ quản.
2. Về mình
Bối cảnh cá nhân ảnh hướng phần nào tới trải nghiệm của mỗi người, nên mình muốn chia sẻ một chút về mình để các bạn hiểu rõ hơn. Hiện tại, mình đang học năm cuối chương trình thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nên có thể nói chủ đề của chương trình rất phù hợp với lĩnh vực mà mình đang theo học. Ngoài ra, mình cũng có một chút kinh nghiệm làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, nên ở kỳ thực tập lần này, mình không có nhiều bỡ ngỡ đối với quá trình đi làm hay giải quyết công việc. Có thể nhiều bạn có trải nghiệm không giống mình, nên rất hoan nghênh các bạn từng tham gia chương trình có thể chia sẻ cảm nhận của các bạn, để mọi người có nhiều góc nhìn hơn về chương trình này nhé.
II. Một số cái hay của chương trình
1. Chương trình thực tập của chính phủ Nhật Bản (do METI – Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp tổ chức), nên uy tín và có giá trị về mặt “đánh bóng” thương hiệu cá nhân của bạn khi đi xin việc sau này hoặc ứng tuyển các chương trình khác. Nói là vậy, nhưng mình nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là “kết quả”: bạn đóng góp được gì cho chương trình, học được gì từ chương trình, và sẽ áp dụng những điều đó ra sao cho công việc sau này.
2. Khâu tổ chức tốt: Chương trình này được tổ chức thường niên từ năm 2016 tới nay, nên đã có kha khá kinh nghiệm trong khâu tổ chức. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nên mình đoán là BTC có ít nhiều thách thức. Dù sao thì cảm nhận của mình là chương trình được tổ chức tốt. Các thực tập sinh được tham gia 3 loại hoạt động của chương trình: 2 buổi Training trước kỳ thực tập (giúp thực tập sinh và công ty chủ quản bớt bỡ ngỡ, vượt qua khác biệt về văn hóa và kết nối với nhau tốt hơn), một buổi Follow-up Training giữa kỳ thực tập (để đúc kết và đánh giá sự hiệu quả trong công việc, đồng thời giải quyết các vấn đề hay khó khăn phát sinh), và buổi Wrap-up Presentation vào cuối khóa (tổng kết và chia sẻ xem công ty và thực tập sinh đã học được những gì). Nhìn chung, mình khá hài lòng với các hoạt động này dù việc tổ chức trực tuyến không tránh khỏi các trục trặc về mặt kỹ thuật và không được chất lượng như khi tham gia trực tiếp, nhưng với kinh nghiệm học trực tuyến suốt năm 2020, mình nghĩ đây là mặt hạn chế của hình thức online và là khó khăn chung nên không thấy phàn nàn gì. Thực tế thì mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia các chương trình kiểu này (trước đây mình chỉ tham gia chương trình Global Citizen của AIESEC), nên không thể đánh giá quá sâu về độ hoàn thiện của khâu tổ chức, nhưng cảm nhận của mình là ổn: BTC làm việc chuyên nghiệp, rất quan tâm và lắng nghe thực tập sinh. Thực tập sinh bọn mình nhận được hỗ trợ từ nhiều bên – từ phía BTC ở Nhật Bản, từ phía đại diện ở Việt Nam (Pasona), và cả từ công ty chủ quản nữa. Nhờ đó mà mình không gặp khó khăn gì to tát trong suốt quá trình thực tập (ngoại trừ việc quên mật khẩu máy tính sau đợt nghỉ giữa kỳ :P)
Còn một điều nữa mà mình đánh giá khá cao về BTC là luôn lắng nghe phản hồi từ phía thực tập sinh (và cả phía công ty chủ quản) về các hoạt động của chương trình qua các buổi trò chuyện và bảng hỏi (questionnaire). Mình nghĩ điều này đóng góp một phần vào sự hoàn thiện của khâu tổ chức – BTC luôn tìm cách cải thiện chương trình sao cho tốt hơn và hiệu quả hơn.
3. Tự do tư duy và đưa ra ý tưởng của mình. Đây là điều mình đánh giá cao nhất ở chương trình này. Một trong những mục tiêu của chương trình là “creating innovation from a new point of view“, nên công ty rất sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của thực tập sinh. Ngoài ra, quy mô của các công ty tham gia chương trình này hầu hết là các công ty vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài hay quản lý nhân lực nước ngoài, nên mình nghĩ họ cũng rất cần những góc nhìn và ý kiến mới mẻ. Nhờ đó mà mình được tự do mày mò, tự mình giải quyết vấn đề và đóng góp ý tưởng của bản thân cho công ty. Điều này khác với những gì mình trải nghiệm ở công việc trước đây: mình chỉ cần hoàn thành các đầu mục công việc theo quy trình sẵn có của công ty, dẫn tới việc khả năng tư duy không được vận dụng nhiều.
III. Lưu ý về việc ứng tuyển
Chương trình này có tỷ lệ cạnh tranh khá cao (theo như số liệu của năm trước thì tỷ lệ cạnh tranh là 204 vị trí/ 24.135 ứng viên). Để ứng tuyển thành công vào chương trình này thì mình nghĩ điều quan trọng nhất là phô ra hết những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mà bạn có, và thể hiện sự phù hợp với chương trình. BTC sẽ sàng lọc các ứng viên phù hợp với các tiêu chí của chương trình, sau đó dựa vào yêu cầu của các công ty chủ quản để tiến hành matching. Do bạn không biết trước về công ty chủ quản, không biết được yêu cầu của họ là gì, nên chỉ có thể cố gắng phô ra hết điểm mạnh của bạn và hi vọng nó sẽ phù hợp với một công ty nào đó.
IV. Vài ba niềm vui của mình khi tham gia chương trình
Mình được học hỏi nhiều từ bác quản lý khá lớn tuổi nhưng rất thân thiện. Bác tạo nhiều cơ hội để mình cảm thấy liên kết hơn với công ty, như đưa mình đi tham quan văn phòng và nhà máy qua màn ảnh nhỏ, tổ chức các buổi Q&A trực tuyến giữa mình và các thành viên công ty, hay gửi sản phẩm mẫu của công ty từ bên Nhật sang cho mình tham khảo. Nhờ những việc nho nhỏ này mà mình thấy mình có cảm giác thân thuộc hơn với công ty dù không được trực tiếp có mặt ở đấy. Ngoài ra, bác cũng rất quan tâm, giúp đỡ để không chỉ công ty mà mình cũng nhận được lợi ích từ chương trình này. Khi biết mình mong muốn học hỏi thêm các kiến thức thực tế về việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài (mà mình chia sẻ từ buổi Pre-training), bác đã dùng thời gian rảnh để chia sẻ với mình các kinh nghiệm của bác từ công việc hiện tại và cả trước đây nữa. Một điều khiến mình ấn tượng hơn nữa là bác rất sẵn sàng học hỏi cái mới, nhất là học hỏi công nghệ. Bác đã mày mò để sử dụng phần mềm phiên dịch tích hợp với phần mềm họp Zoom để mình có thể trao đổi với các thành viên không nói được tiếng Anh trong công ty. Được gặp một bác quản lý như vậy là điều may mắn và mang lại trải nghiệm tích cực của mình trong suốt chương trình này.
Hi vọng các chia sẻ trên đây của mình đã giúp các bạn hiểu hơn phần nào về chương trình thực tập của METI Nhật Bản để cân nhắc ứng tuyển và tham gia. Hi vọng dịch Covid sẽ sớm qua mau để sang năm, các thực tập sinh lại được qua Nhật Bản để kỳ thực tập trọn vẹn và có ý nghĩa hơn~