Học hỏi Kế hoạch học tập của người từng đỗ học bổng như thế nào cho đúng?
Mấy hôm trước, mình nhận được phản hồi của một bạn được mình sửa Kế hoạch học tập Miễn phí rằng:
Mình nghĩ đây có thể là thắc mắc chung của rất nhiều bạn ứng tuyển học bổng, nên mình viết bài này để thảo luận về vấn đề “Học hỏi bài luận của người từng đỗ học bổng như thế nào mới đúng?” Bên dưới là ý kiến của mình, các bạn hãy cùng đưa ra ý kiến và tham gia cuộc thảo luận này nhé!
Theo mình, học hỏi bài luận học bổng của những bạn từng đỗ học bổng phải hết sức chú ý, bởi:
1. Kế hoạch học tập chỉ là một trong số các khía cạnh được ban tuyển sinh dùng để đánh giá một cách toàn diện năng lực và tiềm năng của ứng viên, không phải là yếu tố duy nhất. Chính vì thế, nếu vội kết luận rằng một người từng đỗ học bổng đồng nghĩa với việc bài luận học bổng của người đó xuất sắc, thì chưa chắc đã đúng. Có thể người đó có một hồ sơ hoành tráng với các thành tích xuất sắc, nên kế hoạch học tập của họ không cần thể hiện nhiều. Hoặc có thể người đó gặp may mắn vì mình cạnh tranh với những bạn có hồ sơ kém hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến lí do thứ 2 bên dưới.
→ Dù Kế hoạch học tập không phải là yếu tố duy nhất, nhưng vẫn là yếu tố hết sức quan trọng để truyền tải năng lực và tiềm năng của bạn. Hãy khai thác triệt để các kinh nghiệm của bản thân, truyền tải các phẩm chất mà bạn có, để có thể “tỏa sáng” trong mắt ban tuyển sinh.
2. Mức độ cạnh tranh của mỗi chuyên ngành, mỗi trường vào mỗi năm mỗi khác. Chính vì thế, một bộ hồ sơ (bao gồm thành tích và kế hoạch học tập) của một năm nào đó, một chuyên ngành nào đó từng giành được học bổng, không có nghĩa rằng một bộ hồ sơ tương đương sẽ nắm chắc phần thắng ở một năm khác, hay một chuyên ngành khác, một trường khác. Chính vì thế mà một bài luận học bổng không có nhiều điểm nổi bật vẫn có khả năng giúp bạn nhận được học bổng, nhưng chỉ khi hồ sơ của bạn nhỉnh hơn các ứng viên khác cùng cạnh tranh vào trường.
→ Mức độ cạnh tranh là điều mà chúng ta khó tiên đoán chính xác và nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta, nhưng có một điều mà ta quyết định được: hoàn thiện thật tốt hồ sơ ứng tuyển (trong đó có kế hoạch học tập) để ban tuyển sinh thấy được năng lực và tiềm năng của mình, cũng như sự phù hợp của chúng ta với chương trình.
3. Học hỏi một bài kế hoạch học tập ghi điểm không hẳn là một việc đơn giản. Ví dụ, bạn cảm thấy bài viết đó chỉ liệt kê các thành tích cá nhân mà không đi sâu phân tích, nên bạn cũng áp dụng cách thức tương tự – liệt kê các thành tích mà mình có. Nhưng vấn đề là có thể bản thân các thành tích của người ta đã thể hiện được hàm lượng giá trị cao (ví dụ như giải thưởng các cuộc thi quốc tế, hay tốt nghiệp với vị trí cao ở một trường đại học có tiếng), nên không cần phải nói thêm nhiều. Nhưng với các thành tích không nói rõ hàm lượng giá trị, thì bạn nên trình bày cụ thể hơn để trường nhận ra thực lực của bạn. Ví dụ như danh hiệu học sinh giỏi toàn diện chẳng hạn, có thể ban tuyển sinh các trường Trung Quốc không hiểu giá trị của danh hiệu này, vậy bạn phải làm thể nào để họ thấy được giá trị đó và thấy ấn tượng với năng lực của bạn?
→ Phải biết vận dụng năng lực phán đoán để học hỏi kinh nghiệm viết bài. Khi đọc bài viết của người khác, liệu bạn có thấy thuyết phục với năng lực của tác giả bài viết không? Sau đó phân tích xem bài viết trình bày bố cục như thế nào? Tác giả dùng cách nào để hé lộ các phẩm chất của mình qua các thành tích/ kinh nghiệm làm việc/ hoạt động ngoại khóa? Truyền tải mục đích du học/ mục tiêu bằng cách nào?
→ Đối với một bài viết chung chung mà bạn hoàn toàn có thể ghép tên chuyên ngành cũng như tên trường của bạn vào mà thấy không vấn đề gì, thì lời khuyên của mình là hãy hạn chế tham khảo những bài như thế.
Hẳn ai cũng từng thấy mông lung khi bắt tay vào viết Kế hoạch học tập du học Trung Quốc, nên sẽ muốn đọc tham khảo các bài viết của người từng ứng tuyển học bổng thành công. Nhưng hãy cẩn thận xem xét và đánh giá các bài mẫu trên mạng trước khi học hỏi các bài đó nhé! Chúc các bạn có một mùa ứng tuyển học bổng thật thành công~