CÓ THẬT LÀ ỨNG TUYỂN HỌC BỔNG TRUNG QUỐC CÀNG NGÀY CÀNG KHÓ?
Cái tin học bổng Trung Quốc càng ngày càng khó đã trở thành đề tài bàn tán của cộng đồng ứng tuyển học bổng bấy lâu nay, nhưng đây là tin thật hay tin vịt thì có ai nắm rõ, ai chứng minh được? Nhân một vụ mùa (học kì) bội thu các môn phân tích, nghiên cứu, mình đã quyết tâm để đi tìm sự thật. Sau khi ngồi ê mông trên máy tính để đã thu thập dữ liệu du học sinh (DHS) quốc tế tại TQ từ năm 2010 đến năm 2018 (từ website của Bộ giáo dục TQ), và thông qua tổng hợp cùng phân tích, mình phát hiện ra rằng TÌNH HÌNH CẠNH TRANH THỰC TẾ có lẽ là CÀNG KHỐC LIỆT HƠN so với dự đoán của nhiều người!
Đầu tiên, ta hãy xem trước các kết luận:
- Trước khi chính phủ TQ công bố Kế hoạch phát triển DHS trong 10 năm tiếp theo (trong năm 2020), du học sinh tất cả các nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để đến Trung Quốc học tập, và đối với DHS Việt Nam thì sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn so với các quốc gia khác.
- Ứng tuyển chương trình ngắn hạn sẽ khó hơn so với chương trình văn bằng (Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ).
- Ứng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó, nhưng các loại học bổng có xu hướng đa dạng hóa.
┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄
Đọc tiếp để hiểu được các phân tích của mình nhé:
1. Trong giai đoạn 2018-2020, ứng tuyển du học Trung Quốc mỗi năm lại càng cạnh tranh hơn năm trước
Năm 2018 trở về trước, số sinh viên quốc tế du học tại TQ mỗi năm lại tăng thêm tầm 10%. Nhưng mà đến năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng đột nhiên giảm xuống còn có 0,62%! Trong khi đó năm 2017 tăng 10,48%. Vì sao lại giảm nhiều đến vậy???
Mình liền nhớ ngay đến kế hoạch 10 năm thu hút du học của chính phủ TQ (từ năm 2010): số lượng sinh viên quốc tế phải đạt được mốc 500.000 người vào năm 2020. Mà đến năm 2018 con số ấy đã lên tới 492.000 người rồi. Mình nghĩ là khi “số lượng” đã đạt được trước cả kế hoạch, thì chính phủ Trung Quốc sẽ bắt đầu giới hạn tổng số người và hy vọng sẽ duy trì được con số dự kiến. Đây cũng là lý do chính mà số sinh viên quốc tế tại Trung Quốc năm 2018 lại giảm mạnh đến vậy.
Mình đoán là xu hướng này sẽ được duy trì trong năm 2019 và 2020. Do số lượng người ứng tuyển hàng năm đều tăng lên, mà TQ chỉ duy trì số DHS ở mức khoảng 500.000, thì khó tránh khỏi với việc cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt đối với tất cả các nước, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
2. DHS Việt Nam ứng tuyển ngày càng khó, số lượng sinh viên nhập học 10 năm gần đây không tăng lên
Sinh viên Việt Nam đi du học các nước ngày càng nhiều, mặc dù Trung Quốc không phải là điểm đến du học hàng đầu, nhưng gần đây nhờ chương trình học bổng TQ hấp dẫn nên số sinh viên mong muốn du học Trung Quốc cũng vì đó mà ngày càng tăng. Tuy nhiên theo số liệu thống kê thì số sinh viên Việt Nam học tập tại Trung Quốc hàng năm cũng tầm hơn 10.000 thôi. Nếu ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam muốn ứng tuyển mà số lượng ứng tuyển thành công vẫn giữ nguyên, thì chứng tỏ người Việt chúng ta sẽ phải cạnh tranh ngày càng khó khăn để kiếm được suất học bổng du học!
3. Các trường Đại học ở TQ càng hoan nghênh nhận sinh viên theo học chương trình văn bằng
Năm 2018 trở về trước, sinh viên quốc tế theo chương trình văn bằng mỗi năm lại tăng lên tầm mười mấy %. Mặc dù số sinh viên theo chương trình ngắn hạn cũng tăng lên, nhưng không đọ được với tốc độ tăng trưởng của chương trình văn bằng. Đến năm 2018, lần đầu tiên số sinh viên chương trình ngắn hạn giảm xuống (-5,48%), giảm hơn 10.000 người so với năm 2017. Nên rất có khả năng là số sinh viên theo chương trình ngắn hạn sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
4. Ứng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó, nhưng các loại học bổng có xu hướng đa dạng hóa
Năm 2018, tỷ lệ sinh viên Việt Nam nhận được HB CSC là 18%, có nghĩa là nếu có 100 người thì chỉ có 18 người nhận được học bổng, thế là cũng đủ hiểu cạnh tranh khó khăn đến thế nào rồi!
Ngoài học bổng chính phủ TQ thì hiện tại sinh viên quốc tế còn có thể ứng tuyển học bổng tỉnh, học bổng của trường, học bổng chương trình Một vành đai Một con đường vân vân và mây mây. Trước đấy mình có đọc được bài báo của một giáo sư là ở một trường ĐH ở miền Nam TQ, có đến 90% sinh viên quốc tế trong trường nhận được các loại học bổng khác nhau! Ngay cả lớp mình hiện tại đa số cũng theo diện học bổng. Thế nên dù học bổng chính phủ ngày càng khó “giành giật”, thì vẫn còn nhiều loại học bổng khác để bù đắp cho các bạn.
┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄┄┅┄┅┄┅┄┅┄
Như vậy thì cạnh tranh ngày càng gay gắt, người nông dân biết phải làm sao??? Đấy là hãy nghiên cứu kĩ thông tin và chuẩn bị hồ sơ thật tốt, hãy dựa vào sự nghiêm túc và đầu tư của mình, thay vì chỉ trông chờ vào vận may, và làm tốt các công tác chuẩn bị sau:
1) Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển thật nghiêm túc
Hồ sơ ứng tuyển quan trọng nhất là Kế hoạch học tập và Thư giới thiệu, vì đến thời điểm này rồi thì khó lòng mà thay đổi được kết quả học tập và chứng chỉ HSK hay IELTS, (nước đến chân mới nhảy thì đã quá muộn). Viết tốt hay viết dở 2 giấy tờ này có thể mang tính “sinh tử” đến với kết quả ứng tuyển của bạn.
2) Đánh giá đúng thực lực của bản thân và chọn trường phù hợp
Đánh giá đúng thực lực có nghĩa là biết được trình độ của mình ở đâu, không đánh giá quá cao mà cũng không quá thấp (nghe thì dễ mà làm thì khó vô ngàn!). Để làm được thì phải hiểu các tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học, trường TOP và trường không TOP lại có những tiêu chí khác nhau, ngoài ra còn phải xem các ngành học đặc sắc của trường, chọn được một trường có chất lượng tốt trong ngành mà mình ứng tuyển.
3) Điều chỉnh chiến lược xin học bổng
Xét theo độ khó ứng tuyển thì học bổng chính phủ Trung Quốc là khó xơi nhất, các loại học bổng khác nhìn chung không khó bằng, lưu ý một điều là nhiều học bổng vẫn có mức trợ cấp tương đương học bổng chính phủ Trung Quốc đó! Ngoài ra còn có một số học bổng có thể ứng tuyển sau khi đã nhập học (theo chương trình tự phí), nên cần phải mò mẫm các trang thông tin để tìm hiểu, qua đó điều chỉnh chiến lược tùy theo hoàn cảnh của bản thân, làm sao để chọn được loại học bổng phù hợp nhất và có tỷ lệ đỗ cao nhất.