I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA KẾ HOẠCH HỌC TẬP

Kế hoạch học tập (Study Plan/学习计划), hay một số trường còn gọi là bài luận giới thiệu bản thân (Personal Statement/个人陈述), đều có bản chất giống nhau mặc dù tên gọi khác nhau, đây là một giấy tờ ứng tuyển rất quan trọng để ban tuyển sinh nhìn nhận và lựa chọn một ứng viên. Lúc xét duyệt hồ sơ ứng tuyển, ban tuyển sinh sẽ xem xét 4 phương diện sau:

  1. Thành tích (bao gồm thành tích học tập và ngoại ngữ);
  2. Luận văn học thuật và hoạt động ngoại khóa;
  3. Kế hoạch học tập;
  4. Thư giới thiệu.

Do điểm số, luận văn cùng các hoạt động ngoại khóa đều không thay đổi được nữa khi đã đến kì ứng tuyển, nên bạn chỉ còn có thể chăm chút vào Kế hoạch học tập và Thư giới thiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho bộ hồ sơ của mình.

Nhiều bạn vẫn chưa nắm rõ Kế hoạch học tập có mục đích gì. Nó sẽ giúp ban tuyển sinh hiểu được nền tảng, phẩm chất học tập, phương hướng nghiên cứu cùng mục tiêu ứng tuyển vào trường của bạn, đây là một phần vô cùng quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển, nhưng cũng là phần khó xơi nhất. Một bản Kế hoạch học tập tốt không chỉ giúp bạn nổi bật giữa vô số ứng viên có trình độ tương đương với bạn, mà còn có thể bổ sung câu trả lời cho một số câu hỏi trong bộ hồ sơ ứng tuyển, ở đây mình có thể lấy các ví dụ như:

  1. Nếu bạn ứng tuyển trái ngành thì Kế hoạch học tập có thể giải thích cho ban tuyển sinh vì sao bạn lại ứng tuyển ngành này, và bạn đã chuẩn bị cho ngành mới này ra sao, ví dụ như tham gia các khóa học, các hoạt động hoặc đạt được những chứng nhận có liên quan.
  2. Nếu điểm GPA của bạn không hẳn là quá nổi bật, thì bạn có thể đưa ra các lời giải thích như một số môn học không quá quan trọng đã kéo điểm GPA của bạn xuống, trong khi đó điểm các môn chuyên ngành của bạn vẫn rất cao. Hoặc có thể là do khoa của bạn cho điểm khó hơn một chút so với mặt bằng chung, và nếu xếp hạng của khoa bạn tốt thì cũng nên đề cập đến.
  3. Nếu hoạt động ngoại khóa của bạn khá ít thì cũng có thể giải thích trong Kế hoạch học tập, ví dụ như bạn đã đầu tư toàn bộ thời gian vào việc học (tất nhiên là điểm GPA của bạn phải chứng minh được cho luận điểm này), hoặc do bản thân không thích tham gia hoạt động ngoại khóa mà thích nghiên cứu hơn.

Nói tóm lại thì Kế hoạch học tập là một tài liệu vô cùng quan trọng, mọi người phải nghiêm túc viết và chuẩn bị thật tốt để có thể ghi điểm với ban tuyển sinh.

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIẾT MỘT BẢN KẾ HOẠCH HỌC TẬP “GHI ĐIỂM”?

Không được dùng bài mẫu!

Không được dùng bài mẫu!

Không được dùng bài mẫu!

(Việc quan trọng phải nói 3 lần!)

Điểm này vô cùng quan trọng, vì mỗi năm ban tuyển sinh của trường đều phải xét duyệt vô số hồ sơ ứng tuyển, nên chỉ cần nhìn qua là biết ngay bài nào là bài mẫu. Những ai dùng bài mẫu một cách rập khuôn, hoặc không bỏ công sức viết Kế hoạch học tập thì không chỉ không ghi điểm mà còn bị mất điểm nữa. Thật ra muốn viết một bản Kế hoạch học tập thật hay không phải là một việc quá khó, chỉ cần nghiêm túc viết và đạt được những điểm dưới đây:

 1. CÓ TÍNH LÔ-GIC

Bài viết phải có tính lô-gic thì mới thể hiện được rõ ràng những điều bạn muốn thể hiện, nếu muốn đạt được tính lô-gic thì nhất định phải có mạch truyện (主线/main thread). Ví dụ mình lấy động lực đến Trung Quốc để học ngành này làm mạch truyện, sau khi đã có mạch truyện rồi, mình sẽ xem lại nội dung đã viết có hợp lô-gic không. Bài Kế hoạch học tập nên bao gồm 3 phần chính: Bối cảnh bản thân, Lý do ứng tuyểnKế hoạch tương lai, mỗi phần cần phù hợp với mạch truyện của bạn. Ví dụ như:

  • Mở đầu – phát hiện ra một số vấn đề, hi vọng bản thân có thể giải quyết chúng.
  • Bối cảnh cá nhân – điều gì đã dẫn đến việc bạn quan tâm đến vấn đề ấy.
  • Lý do ứng tuyển – vì sao học ngành học này, trường này lại giúp bạn giải quyết vấn đề đấy.
  • Kế hoạch tương lai – làm thế nào để dùng những kiến thức học được áp dụng vào công việc và từng bước giải quyết vấn đề đấy.

Trước khi đi vào viết bài, các bạn nên viết đề cương, đây sẽ là khung sườn của bài viết, nó giúp bạn nhìn ra những nội dung mình muốn viết có hợp lô-gic không. Đề cương giống như cành của một cái cây vậy, nó giúp cây không mọc lệch, và cành cây tô điểm bằng những chiếc lá thì cây mới đẹp.

 2. NÊU BẬT TRỌNG ĐIỂM

Bài Kế hoạch học tập của bạn nên trả lời được các câu hỏi sau:

  • Vì sao bạn chọn Trung Quốc?
  • Vì sao bạn chọn ngôi trường này?
  • Vì sao bạn chọn ngành học này?
  • Vì sao trường nên chọn bạn?

Đây chính là những nội dung mà ban tuyển sinh muốn tìm kiếm trong bài viết của bạn. Bạn phải xem những nội dung mà bạn viết có liên quan tới những câu hỏi này không, nếu liên quan nhiều thì nên viết thật chi tiết, còn nếu ít liên quan thì viết vài câu là được rồi.

Mình từng xem Kế hoạch học tập của nhiều bạn thì thấy viết rất nhiều về gia đình, môi trường trưởng thành của bản thân vân vân, nếu nội dung của phần này không liên quan nhiều tới những câu hỏi trên, thì thực ra không nên viết quá nhiều. Trong phần viết về hoạt động ngoại khóa, nhiều bạn thích liệt kê ra hết những hoạt động từng tham gia, thực ra viết như thế không bằng chọn các điểm chính và giới thiệu về những việc thật sự có ý nghĩa đối với bạn. Nêu ra điểm chính sẽ giúp ban tuyển sinh tiết kiệm được thời gian, và cũng giúp nêu bật những điểm xuất sắc của bạn chỉ trong một bài viết có giới hạn.

3. NỘI DUNG CHI TIẾT

Mọi người thường thích liệt kê ra mình có những năng lực gì, có các phẩm chất xuất sắc nào, nhưng lại thiếu mất ví dụ cụ thể. Các bạn nên biết rằng ban tuyển sinh sẽ không vì bạn nói rằng mình xuất sắc mà tin luôn là bạn quả thật xuất sắc, bạn cần phải có các ví dụ cụ thể để minh chứng được những phẩm chất đó. Phần viết về kế hoạch học tập trong mấy năm tới cũng cần phải cụ thể nhất có thể, ví dụ như năm nhất thì làm những việc gì, nghiêm túc nghiên cứu những lĩnh vực hoặc môn học cụ thể nào, cuối cùng sẽ đạt được kết quả như thế nào. Những ví dụ cụ thể này sẽ giúp cho các luận điểm của bạn thêm đáng tin và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho ban tuyển sinh.

 4. BÁM SÁT TRƯỜNG ỨNG TUYỂN

Rất nhiều bạn viết xong Kế hoạch học tập rồi mới chọn trường, nhưng nếu bạn nộp một bộ hồ sơ giống nhau cho tất cả các trường thì bản Kế hoạch học tập của bạn sẽ không bám sát vào trường ứng tuyển, việc này cũng giống như vào ngày lễ bạn gửi một tin nhắn giống nhau cho một lô lốc bạn bè thì người nhận sẽ không có chút cảm xúc gì đâu.

Mình nghĩ mọi người trước hết nên viết một bản Kế hoạch học tập chung, sau đấy mới thêm những nội dung liên quan tới trường ứng tuyển. Nhưng làm thế nào để đạt được điều này? Các bạn nên theo dõi trang chủ của trường, trên đấy sẽ có thông tin về ngành học, lịch sử và phương pháp giảng dạy của trường, ngoài ra còn có tin tức về trường trong mấy năm gần đây, đây đều là những dữ liệu có giá trị. Bên cạnh đó, để bám sát vào ngành ứng tuyển, bạn có thể tìm thông tin về các giáo sư giảng dạy ngành này, lên mạng tìm các luận văn hoặc bài viết của họ, và có thể bám vào lĩnh vực nghiên cứu của giáo sư để viết.

 5. CÓ TÍNH ĐỘC ĐÁO

Nếu bạn ứng tuyển một trường bình thường thì làm tốt 4 điểm trên đã đủ ăn điểm rồi, nhưng nếu bạn ứng tuyển trường top của Trung Quốc (ví dụ như các trường thuộc 双一流) thì khả năng cao là đối thủ cạnh tranh sẽ có thành tích tương đương với bạn: điểm GPA ấn tượng, điểm HSK cao, đủ loại hoạt động ngoại khóa; thì bài viết của bạn cần đạt được tính độc đáo mới có thể tạo được ấn tượng với ban tuyển sinh.

Tính độc đáo có thể được thể hiện qua những kinh nghiệm đặc biệt của riêng bạn, một số bạn có thể sẽ nghĩ rằng mình chưa trải nghiệm được điều gì đặc biệt, nhưng thực ra bạn cần phải đào xới các trải nghiệm của mình thật kĩ, vì nhiều khi bạn sẽ khám phá ra những điểm thú vị của những việc nhỏ (bình thường không để ý đến) khi nhìn từ các góc độ khác nhau. Ngoài ra có thể đổi cách kể chuyện để câu chuyện càng có sức hút, ở phương diện này bạn có thể tham khảo cách kể chuyện của tiểu thuyết, ví dụ như phần mở đầu có tính dẫn dụ cho nội dung đằng sau, lôi kéo sự chú ý của người đọc , hoặc có thể hài hước ở mức độ phù hợp, như thế mới tạo được ấn tượng khó phai với ban tuyển sinh

 III. SỬA KẾ HOẠCH HỌC TẬP

Theo kinh nghiệm của mình, bạn không nên mong đợi chỉ cần viết một lần sẽ ra một bài Kế hoạch học tập hoàn hảo. Một bài viết hay thường phải sửa đến 3 lần, và thời gian này có thể kéo dài đến vài tháng, nên với những bạn có ý định ứng tuyển học bổng, nếu có thời gian thì đừng ngại bắt tay vào thử viết Kế hoạch học tập nhé, viết xong nhất định phải tìm bạn hoặc thầy cô đáng tin để giúp bạn sửa đấy.

Lúc bắt đầu sửa bài viết thì không nên quá tập trung vào việc sửa ngữ pháp và từ vựng, đầu tiên cần xem kết cấu và lô-gic của bài viết có hợp lý không, điều chỉnh xong điểm này thì cuối cùng mới sửa đến ngữ pháp và từ vựng. Để người sửa Kế hoạch học tập cho bạn đưa ra những gợi ý càng hợp lý hơn thì bạn có thể gửi bài viết này cho họ xem nhé.

Cho dù bạn ứng tuyển ngành học bằng tiếng Trung hay tiếng Anh, tốt nhất là nên tìm một người bản địa để giúp bạn gọt giũa bài viết, để bài viết của bạn trở nên dễ đọc hơn, mượt hơn, và thể hiện ý tưởng của bạn càng rõ ràng và chính xác hơn.

Cuối cùng, mình mong là những gì mình chia sẻ sẽ giúp ích được cho mọi người, chúc mọi người đều ứng tuyển được vào trường học mà mình mơ ước!

发表评论

邮箱地址不会被公开。 必填项已用*标注

Scroll Up
error: