Có ai trong số những bạn sắp và đang học đại học đã từng cảm thấy hoang mang do không biết học đại học rốt cuộc là học cái gì và để làm gì không? Vậy thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Dù nó khá dài nhưng hãy dành khoảng 15p để đọc và cùng mình suy ngẫm nhé!

Thời gian đọc dự kiến: 15 phút

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ một vài suy ngẫm của mình cùng chặng đường quanh co mà mình đã đi qua trong đời học sinh sinh viên.

Sáng tạo nội dung không phải là điều dễ dàng, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy chia sẻ cho những ai đang cần nhé 😊.

Hằng năm cứ vào thời điểm này, hàng trăm ngàn bạn học sinh lại háo hức đón chờ cuộc đời sinh viên ở trước mắt. Sau mười hai năm vất vả đèn sách, hẳn ai cũng mong muốn được tiếp tục theo học tại một trường đại học tốt, dù là chọn học trong nước hay đi du học.

  • Cũng đều là sự học cả, rốt cuộc thì học đại học có gì khác?
  • Tại sao đại học lại quan trọng như vậy?
  • Liệu chúng ta nên dành quãng thời gian đại học như thế nào?

Hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn một vài suy ngẫm của mình.



I – HỌC ĐẠI HỌC VÌ SAO LẠI QUAN TRỌNG ĐẾN VẬY?

Mục tiêu giáo dục của giáo dục bậc cao – đại diện bởi đại học, và giáo dục cơ bản của bậc trung tiểu học có nhiều điểm khác nhau, hiểu được sự khác biệt này ta sẽ hiểu được vì sao đại học lại quan trọng đến vậy.

1. SỰ KHÁC NHAU GIỮA GIÁO DỤC BẬC CAO VÀ GIÁO DỤC CƠ BẢN

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, nhiệm vụ của trường học được thể hiện chủ yếu trên 2 phương diện: Một là đào tạo tố chất cơ bản của học sinh, định hướng học sinh hình thành nhân sinh quan và giá trị quan lành mạnh. Hai là đào tạo kiến thức nhập môn của các môn học, thiết lập nền tảng kiến thức để sau này đi sâu vào nghiên cứu.

Mặc dù hai khía cạnh này đều là mục tiêu giáo dục của trường học ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng có thể thấy rằng đại đa số các trường đều chú trọng vào việc truyền tải kiến thức mà coi nhẹ việc bồi dưỡng tố chất và năng lực của học sinh. Nguyên nhân khá đơn giản, đó là vì cấp giáo dục cơ bản đánh giá kết quả giáo dục thông qua các kỳ thi do bộ giáo dục tổ chức, như các kỳ thi lên cấp 3 hay thi đại học. Do các bài thi phải đảm bảo được tính lượng hóa, hơn nữa còn phải có đáp án tiêu chuẩn, nên các kỳ thi chủ yếu được dùng để kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức, chứ rất khó đánh giá tố chất và năng lực của học sinh. Nhưng cả hai phương diện này đều vô cùng cần thiết khi chúng ta ra đời đi làm.

Mặc dù đại học cũng phải thi cử, nhưng vì kết quả giáo dục cuối cùng không còn được đánh giá qua các kỳ thi nữa, mà thông qua xã hội; thế nên các bài thi thường bám sát thực tế hơn, không còn đơn thuần là đánh giá mức độ nắm vững và mở rộng kiến thức, mà còn đánh giá cả tố chất và năng lực, như trình độ đạo đức, kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng sáng tạo và tư duy vân vân.

Nói tóm lại, ở bậc giáo dục cơ bản, kết quả giáo dục được đánh giá thông qua hình thức thi cử, cho nên chỉ cần đạt được thành tích tốt là mang danh hiệu học sinh giỏi, nhưng thực sự thì những “học sinh giỏi” đi ra từ kiểu thi cử này rất khó đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ở bậc giáo dục cấp cao, việc đánh giá kết quả giáo dục xuất phát từ xã hội, nên ta không chỉ cần thành tích tốt, mà còn phải trang bị nhiều tố chất năng lực khác mới có thể được gọi là “nhân tài”.

2. ƯU THẾ CỦA ĐẠI HỌC

Đại học quan trọng bởi nó đóng vai trò làm mắt xích liên kết & chuyển tiếp; một mặt ở đại học ta có thể bổ sung các năng lực mà xã hội cần mà các kỳ thi không kiểm tra đến, mặt khác nhờ những nền tảng kiến thức trước đây tích lũy được, ta có thể tiếp tục đi sâu vào học tập và nghiên cứu những lĩnh vực mà mình quan tâm, qua đó cũng góp phần đáp ứng các yêu cầu của xã hội đối với nhân tài chuyên môn.

Vậy đại học gánh vác những sứ mệnh quan trọng này như thế nào?

1) MÔI TRƯỜNG ĐA DẠNG

Sinh viên trong các trường đại học thường đến từ các vùng miền khác nhau trên tổ quốc, mang theo mình nền văn hóa địa phương khác nhau, giúp hình thành nên một môi trường đại học hết sức đa dạng. Trong môi trường này, các sinh viên xuất phát từ các hoàn cảnh khác nhau có cơ hội được tiếp xúc và giao lưu với nhau, nhờ đó mà ý thức được tính đa chiều của xã hội, hiểu được rằng môi trường sống khác nhau sẽ dẫn đến khác biệt trong cách tư duy, ngoài ra còn học được cách bao dung những điều mà thế giới khác với mình, hơn nữa còn trân trọng sự khác biệt đó.

Bên cạnh đó, môi trường đa dạng cũng thúc đẩy sự va chạm về tư duy, điều này không chỉ thú vị mà còn mang lại cơ hội rèn luyện tư duy không dễ gì có được. Trong quá trình va chạm đó có người tìm được lý tưởng cuộc đời mình, người thì theo đuổi ranh giới khoa học, người thì hình thành nên nhân cách độc lập. Trên thế giới này có lẽ không có điều gì kỳ diệu hơn việc tư duy. Các suy nghĩ và tư tưởng sẽ đưa ta đến những nơi xa xôi vô cùng tận. Và môi trường đa dạng chính là mảnh đất màu mỡ để tư duy phát triển.

2) BẦU KHÔNG KHÍ TƯƠNG ĐỐI THOẢI MÁI VÀ TỰ DO

Đại học tạo ra môi trường thuận tiện để sinh viên phát triển tự do. Ví dụ như sinh viên được tự do sắp xếp chương trình học, nên có thể dựa vào đam mê và sở thích của mình để tập trung học những kiến thức liên quan. Ví dụ như bạn không học ngành Khoa học Máy tính (Computer Science), nhưng bạn nghe nói hiện tại lĩnh vực này rất có tiềm năng phát triển, mà bạn cũng thấy khá là hứng thú; thì bạn có thể thông qua chọn môn tự chọn, dự thính hoặc các cách khác để học các môn liên quan tới chuyên ngành này. Như thế thì đến lúc tốt nghiệp, bạn sẽ có càng nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Ngoài giờ học, sinh viên cũng có thể tự do sắp xếp thời gian để tham gia hoạt động ngoại khóa, ví dụ như nếu bạn cảm thấy mình không quá giỏi giao lưu với người khác, thì có thể tham gia các câu lạc bộ để cùng mọi người tổ chức các hoạt động, qua đó phát triển các năng lực liên quan.

3) CƠ HỘI HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH

Kiến thức là các kinh nghiệm và phương pháp về một vấn đề nào đấy mà thế hệ đi trước tổng kết lại, là tổng hợp các nhận thức về thế giới khách quan của nhân loại. Ở cấp giáo dục cơ bản, ta chủ yếu học lý thuyết và coi nhẹ việc thực hành. Đây cũng là một hiện thực khá đáng buồn. Thật may là đại học mang lại cho ta rất nhiều cơ hội thực hành, như là nghiên cứu các bí ẩn của bệnh ung thư trong phòng thí nghiệm, vận dụng các phương pháp marketing được học trên lớp vào các cuộc thi khởi nghiệp, hay truyền đạt kiến thức nông nghiệp cho nông dân thông qua các hoạt động công ích để giải quyết vấn nạn nghèo.

Việc học tri thức suy cho cùng vẫn cần đi đôi với thực hành. Ở đại học, thông qua thực hành, ta có thể học kiến thức một cách hiệu quả hơn, và quá trình thực hành cũng giúp ta phát triển thêm nhiều kiến thức mới.

II – LÀM GÌ TRONG NHỮNG NĂM THÁNG ĐẠI HỌC

4 năm đại học là quãng thời gian vô cùng quý giá của tuổi trẻ, hãy sống làm sao để ta không thấy hối tiếc khi nhìn lại. Dưới đây là một số gợi ý nho nhỏ của mình, hi vọng rằng các bạn sẽ thấy hữu ích <3.

1. ĐI TÌM LÝ TƯỞNG CUỘC ĐỜI

Mình rất ngưỡng mộ những bạn từ hồi còn trẻ đã xác định được cả đời mình muốn theo đuổi lí tưởng gì, còn đại đa số chúng ta đều phải trải qua rất nhiều năm mới chiêm nghiệm ra lí tưởng cuộc đời mình. Mong rằng trong những năm tháng đại học, các bạn có thể kiên trì tìm kiếm lí tưởng nhân sinh, khi đã xác định được rồi, bạn sẽ có mục tiêu và phương hướng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Mình xin chia sẻ một vài cách để tìm được lí tưởng cuộc đời. Đầu tiên hãy giữ cho mình một tâm thế cởi mở và thái độ ham học hỏi, hãy trải nghiệm thật nhiều, và đừng gò bó bản thân trong khuôn khổ chuyên ngành hay thân phận của mình. Bạn có thể chọn những môn học bản thân có hứng thú nhưng có thể là không liên quan mấy đến chuyên ngành, có thể học thêm các kĩ năng bên ngoài chuyên ngành, hoặc để ý tới tình hình phát triển của các ngành nghề khác nhau. Tóm lại, trước hết hãy đi tìm những thứ khiến bạn hứng thú, sau đó từ từ tìm hiểu xem chúng có thể mang lại những cơ hội nghề nghiệp nào. Cho dù những thứ mà ta hứng thú không trực tiếp trở thành nghề nghiệp sau này, mình tin rằng chúng vẫn sẽ chờ đợi để hội ngộ với chúng ta ở một thời điểm nào đó trên đường đời. Hồi đại học, Steve Jobs từng đi dự thính lớp thư pháp, đâu ngờ được sau này nó sẽ trở thành nguồn cảm hứng để ông phát triển hệ thống máy tính Macintosh.

Điều kì diệu của sinh mệnh nằm ở khả năng vô hạn của nó.

2. HỌC MỘT CÁCH CHỦ ĐỘNG VÀ NGHIÊM TÚC

Ở cấp giáo dục cơ bản, ta đã quen với việc tiếp thu kiến thức một cách thụ động, lên đại học, điều mà ta càng nên chú ý là phải chủ động trong học tập. Mỗi người có thể dựa vào kế hoạch tương lai của mình để chủ động tích lũy những kiến thức liên quan, phát triển tố chất và năng lực một cách có chủ đích.

Trong quá trình này, hi vọng bạn cũng sẽ không để thành tích của mình đi xuống, đây là điều vô cùng thiết thực. Tất nhiên mình không theo thuyết thành tích, coi thành tích là thước đo duy nhất. Nếu bạn đã xác định rõ mục tiêu của đời mình, hơn nữa biết rõ rằng những kiến thức mà bạn đang học ở trường không giúp ích được gì cho tương lai mình, thì bạn của thể dũng cảm theo đuổi mục tiêu của bản thân, tích lũy những kiến thức mà bạn nghĩ là có ích, còn thành tích thì vừa đủ để tốt nghiệp là được rồi.

Còn nếu bạn cảm thấy hoang mang, chưa tìm được mục tiêu đời mình, thì mình mong rằng bạn có thể nỗ lực hết sức để đạt được thành tích cao nhất trong khả năng, vì khi bạn cần những thành tích này chứng minh cho một vài điều nhất định thì ít nhất nó sẽ không làm bạn chịu thiệt đâu.

Hiện tại mình đang du học tại Trung Quốc, đồng thời cũng hỗ trợ các bạn ứng tuyển học bổng du học Trung Quốc, mỗi khi gặp những bạn ưu tú nhưng chỉ vì GPA (điểm trung bình) không cao mà không vào được những trường đại học top đầu thì mình đều thấy rất đáng tiếp. Các bạn ấy đã không nhận thức được tầm quan trọng của thành tích trong những năm tháng học hành trước đó, đợi đến khi muốn du học rồi mới phát hiện ra tình hình đã khó cứu vãn rồi. Cho dù bạn tốt nghiệp xong muốn tiếp tục học lên cao hơn hay đi tìm việc luôn, thì thành tích học tập luôn là một thước đo quan trọng. Dù nó không phản ánh hết năng lực và tố chất của bạn, nhưng nếu thành tích không đủ tốt, bạn có thể sẽ vô duyên vô cớ mà bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, hơn nữa bạn sẽ mất nhiều công sức hơn để chứng minh một điều:

Nếu như bạn đã không học hành nghiêm túc trong những năm tháng đại học, thì bạn đã dành thời gian của mình cho những việc nào có ý nghĩa hơn?

3. KẾT GIAO VỚI NHỮNG NGƯỜI ƯU TÚ, CÙNG NHAU TIẾN BỘ

Ta cần chấp nhận một điều rằng con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Những người thường xuyên học tập và sinh hoạt cùng nhau sẽ càng ngày càng cư xử và hành động giống nhau.

Cho dù bạn học ở ngôi trường có cấp bậc như thế nào thì đều có thể tìm được những người ưu tú cùng tuổi xung quanh mình, người Trung Quốc có câu “三人行必有我师” (Trong ba người cùng đi, thể nào cũng có người là thầy của ta) cũng chính là đạo lý này. Có lẽ ta sẽ khó học theo nhiều nhân vật thành công trên TV hay trên mạng hơn, vì những yếu tố thành công mà họ chia sẻ có thể đã được khoa trương, thêm thắt nhiều yếu tố để có thể truyền tải 1 cách hấp dẫn hơn, hơn nữa khó có cơ hội được đứng gần quan sát họ thực tế làm việc như thế nào. Bí mật của thành công luôn nằm trong tiểu tiết; kết giao với những người bạn ưu tú cùng tuổi và cùng chí hướng sẽ giúp ta có thể đứng gần học hỏi những điểm ưu tú của họ. Ở cạnh những người ưu tú lâu dài thì bản thân bạn cũng sẽ trở nên ưu tú hơn.

Những năm tháng bạn bè cùng học tập và trưởng thành bên nhau sẽ trở thành một trong những kỉ niệm quý giá nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.

4. TÍCH CỰC THỰC HÀNH

Ở trên mình đã nói đến việc môi trường đại học mang lại rất nhiều cơ hội thực hành, thế nên ta nhất định phải lợi dụng thật tốt cơ hội này.

Bạn có thể đi thực tập ở các lĩnh vực khác nhau để tìm được phương hướng nghề nghiệp mà mình thích. Tham gia các hoạt động xã hội khác nhau để có thể hiểu thêm về hiện trạng phát triển của xã hội, hơn nữa còn rèn luyện được năng lực tổ chức cũng như năng lực hợp tác và giao tiếp, đây đều là những điều cần thiết để sau này bước ra ngoài xã hội. Ngoài ra đừng chỉ bó hẹp bản thân vào chuyên ngành của mình, mà hãy học tập và thực hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay rất nhiều tiến bộ đi đầu trong lĩnh vực khoa học đều xuất phát từ các nghiên cứu liên ngành, vì thế mà xã hội cũng đang thúc đẩy việc đào tạo các nhân tài tổng hợp đa năng. Điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển của chúng ta.

5. RÈN LUYỆN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Ở thời điểm tốt nghiệp, các công ty thường đưa ra mức tiền lương cho sinh viên tốt nghiệp cao hơn so với giá trị mà các bạn ấy tạo ra cho công ty vào lúc đó. Vì lượng kiến thức mà nhiều sinh viên học được ở bậc cử nhân chưa chắc đã đủ đáp ứng yêu cầu của xã hội, nên mức lương này không hẳn là dựa vào năng lực hiện tại của bạn, mà có thể còn dựa trên sự kì vọng vào tiềm năng phát triển trong tương lai.

Vì sao nhiều công ty chịu tuyển các sinh viên có năng lực chuyên môn chưa đủ? Vì họ coi trọng năng lực giải quyết vấn đề của các bạn ấy – đó là năng lực sau khi tìm ra vấn đề là biết cách tự tìm tòi học hỏi để giải quyết vấn đề. Ví dụ, các ngân hàng đầu tư hàng đầu như Goldman Sachs tuyển rất nhiều tiến sĩ tốt nghiệp ngành kỹ thuật vào vị trí chuyên viên phân tích định lượng, cũng vì họ coi trọng năng lực tư duy để giải quyết vấn đề của họ. Khi đã nắm được năng lực tư duy, ta có thể nhanh chóng nắm bắt trọng điểm dù học gì.

Để rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, trong quá trình học tập cần phải tích cực suy ngẫm và tư duy, ví dụ như ngành học nào đó hình thành và phát triển như thế nào, nó giải quyết được vấn đề gì, còn các hạn chế nào. Những suy ngẫm này giúp ta nắm bắt được bản chất của sự việc, nên dù bạn học những môn không quá hứng thú thì vẫn có thể học được rất nhiều điều.

6. DUY TRÌ THÓI QUEN ĐỌC

Nguồn tư liệu đọc không chỉ giới hạn ở sách, mà còn bao gồm tạp chí khoa học, luận văn, các bài nghiên cứu, vân vân; nhưng có lẽ không nên bao gồm các bài báo lá cải, tin tức giải trí linh tinh trên mạng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì càng cần phải vận dụng sức tập trung vào đúng nơi đúng chỗ, tốt nhất là dùng vào những việc có giá trị, đọc những tư liệu hay. “Hay” ở đây được hiểu là mang lại kiến thức và kích thích khả năng tư duy. Có thể trong quá trình đọc không phải lúc nào ta cũng thấy hưởng thụ, nhưng nhất định sẽ học được gì đó.

Thử nghĩ mà xem, có lẽ không có việc gì có lợi hơn việc đọc. Chỉ cần tốn một ít tiền, thậm chí là không mất đồng nào, cũng có thể học được những thành quả nghiên cứu mà các nhân vật lỗi lạc mất bao đêm ngày mới khám phá ra. Thật may con người là loài sẵn lòng chia sẻ. Đọc không chỉ giúp ta tích lũy tri thức, mà còn rèn luyện được năng lực tư duy. Mỗi ngày chúng ta đều phải tiêu tốn rất nhiều thời gian chờ đợi, đây chính là cơ hội tốt để ta dành vào việc đọc.

Hi vọng mỗi người trong chúng ta có thể dành ra một ít thời gian yên tĩnh mỗi ngày để đọc~~

Chăm chỉ đọc, đọc những thứ có giá trị, và duy trì việc đọc trong thời gian dài, đến một ngày bạn sẽ phát hiện ra mình đã trở nên khác biệt so với những người bên cạnh rồi đấy~

III – Ý NGHĨA CỦA GIÁO DỤC

Cuối cùng, mình xin chia sẻ về ý nghĩa của giáo dục, mình nghĩ đây là bản chất của tất cả các vấn đề liên quan đến giáo dục.

1. ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

Cho dù bạn đến từ gia đình đầy đủ hay thiếu thốn, thì giáo dục luôn mang lại cơ hội cạnh tranh khá công bằng với các bạn học cùng tuổi, đây là cách hiệu quả để ta có thể leo lên nấc thang xã hội và thực hiện lý tưởng đời mình. Có lẽ bạn đã nghe rất nhiều ví dụ về một ai đó đổi đời nhờ giáo dục; chúng ta cần tin tưởng vào sức mạnh của việc học, càng phải tin tưởng hơn nữa vào sức mạnh của bản thân.

2. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Giáo dục có thể cung cấp cho doanh nghiệp các nhân tài trong đủ các chuyên môn ngành nghề để vận hành hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thông qua hình thức học vị của giáo dục, sinh viên được gắn các “nhãn mác” (brand) khác nhau, nhờ đó mà doanh nghiệp có thể tìm được các sinh viên có các nhãn mác phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của mình, vì các nhãn mác đó được cho là đại điện cho “phẩm chất” nào đó. Mặc dù cách thức này giúp nhân tài và vị trí công việc tìm được nhau, đồng thời nâng cao hiệu suất phân công xã hội; tuy nhiên lại khiến các công ty sa đà vào nhãn mác mà coi nhẹ việc quan sát năng lực cá nhân. Có nhiều sinh viên ưu tú nhưng nhãn mác chưa đủ hấp dẫn thì vẫn phải bỏ ra nhiều công sức mới có thể chứng minh được năng lực bản thân. Đây quả là một hiện thực tàn nhẫn.

3. ĐỐI VỚI QUỐC GIA VÀ XÃ HỘI

Giáo dục có thể định hướng quan niệm luân thường đạo lý đúng đắn và tạo ra bầu không khí xã hội hài hòa. Giáo dục cũng có thể thúc đẩy việc luân chuyển các tầng lớp xã hội, kích thích sức sống của xã hội. Giáo dục còn có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất và khoa học công nghệ của quốc gia, phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân.

4. ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI

Con người được coi là sinh vật ưu việt bởi ta nhận thức được tầm quan trọng của tri thức. Tuổi thọ của con người có hạn, thế nên trong mấy vạn năm trở lại đây, loài người phải thông qua đủ mọi cách thức để truyền lại kiến thức cho đời sau: vào thời sơ khai nhất, con người vẽ lên tường các hang động, sau khi ngôn ngữ xuất hiện thì dùng hình thức truyền miệng, và sau đó là sự ra đời của chữ viết cũng như các công cụ ghi chép càng tiện lợi hơn, từ thẻ tre, da thuộc, đến giấy, máy tính. Lịch sử của nhân loại có lẽ chính là quá trình không ngừng nghiên cứu làm thế nào để tiếp thu tri thức một cách hiệu quả nhất. Nếu nhân loại không nhận thức được tầm quan trọng của việc học và lưu truyền tri thức, thì có lẽ hiện tại chúng ta vẫn còn ở trong hang động, hết lần này đến lần khác phát minh ra cách tạo ra lửa. Xã hội hiện tại thông qua giáo dục để truyền đạt kiến thức càng hiệu quả hơn. Có thể nói giáo dục chính là nguồn động lực để nhân loại không ngừng phát triển về phía trước.

——————————————————————–

Có người miêu tả đại học là cảng tránh gió, vì ở đó có bầu không khí tự do, có môi trường yên ả.

Nhưng ta đâu thể nấp mình trong cảng tránh gió mãi được, sẽ có ngày ta phải bước ra ngoài xã hội.

Mình thì muốn miêu tả đại học là một cuộc tổng duyệt trước khi bước vào đời, là một lần diễn thử trước khi bắt đầu một cuộc sống huy hoàng.

Đại học là một kho tàng, điều mà bạn có thể đạt được hoàn toàn phụ thuộc vào điều mà bạn muốn đạt được.

Hãy dũng cảm tiến về phía trước nhé!

——————————————————————–

1 对 “HỌC ĐẠI HỌC RỐT CUỘC LÀ HỌC CÁI GÌ? (dành cho những ai sắp và đang học đại học)”的想法;

  1. Ui, cảm ơn chị vì bài viết siêu dài siêu có tâm vè bổ ích ạ❤❤

发表评论

邮箱地址不会被公开。 必填项已用*标注

Scroll Up
error: